Mục lục
“Nếu học bình thường trên lớp thì thầy/cô phải liên tục nhắc nhở để học sinh trật tự, còn bây giờ chuyển qua học online thì thầy/cô làm đủ cách mà các em chẳng chịu nói tiếng gì”, chắc hẳn đây là tâm sự của rất nhiều giáo viên khi dạy học online hiện nay.
Thực tế là, tuy việc dạy học online đem lại tính linh động và sự an toàn cao hơn trong thời buổi dịch bệnh, nhưng cũng có nhiều hạn chế trong việc giao tiếp và tương tác khiến giáo viên Anh văn gặp khó khăn trong việc khuyến khích các em học sinh tham gia vào bài giảng, đặc biệt đối với các môn liên quan đến kỹ năng Nói và Phát âm.
Sau đây là một số lưu ý mà các giáo viên có thể áp dụng để tăng sự tương tác trong lớp Anh văn online, mọi người cùng tham khảo nhé!
1 – Trao quyền cho học sinh
Cách tốt nhất để cho các em chủ động phát biểu hơn trong lớp học chính là đặt các em vào vị trí của giáo viên. Các bạn có thể ra bài tập về nhà là tìm hiểu về 1 chủ đề nào đó, kèm theo hướng dẫn cụ thể và sau đó chính các em sẽ tổng hợp lại kiến thức và giảng lại cho các bạn cùng lớp.
Các dạng bài tập này rất tốt cho kỹ năng nghiên cứu của các em đồng thời cũng tập cho các em biết cách trình bày và truyền đạt một cách rõ ràng và sáng tạo. Giáo viên cũng có thể tham gia vào các buổi thảo luận để hướng dẫn và quan sát.
2 – Tăng cường hoạt động nhóm
Với sự hỗ trợ của các công cụ trên các nền tảng dạy học online, giáo viên có thể chia lớp ra làm các nhóm nhỏ và tạo các phòng họp ảo để các em thi đua giải các bài Đọc, Ngữ pháp với nhau.
Việc cùng nhau cạnh tranh vừa khơi gợi được sự đoàn kết vừa khuyến khích các em phát triển khả năng thảo luận, làm việc nhóm. Hơn nữa, thi đua theo nhóm sẽ làm giảm thiểu tình trạng ghen tị hay so sánh kết quả điểm giữa các cá nhân.
Một dạng hoạt động nhóm khác đó là chia buổi học ra thành các buổi thảo luận riêng giữa giáo viên với từng nhóm nhỏ, để tạo điều kiện cho từng cá nhân các học sinh được nói và bày tỏ quan điểm.
Đây là một phương pháp rất hữu ích đối với các môn liên quan đến kỹ thuật Nói và Phát âm vì giúp giáo viên có thể quan sát và điều chỉnh kịp thời nếu các em mắc lỗi đồng thời các em có thể học hỏi lẫn nhau và sửa sai cho nhau.
3 – Kết hợp các trò chơi có tính tương tác cao.
Các loại câu hỏi hay trò chơi tương tác, ví dụ như Quizz, là một công cụ vừa miễn phí vừa hiệu quả trong việc khích lệ học sinh tham gia sôi nổi hơn vào bài học. Giáo viên có thể lựa chọn các câu hỏi có sẵn hoặc tự soạn câu hỏi theo chủ đề bài học của riêng mình.
Loại công cụ này phù hợp với hầu hết các bài tập trắc nghiệm, cho dù là về kỹ năng Nghe, Đọc hay Ngữ pháp. Bài tập về nhà cũng có thể được thiết kế dưới dạng các trò chơi với kết quả được gửi trực tiếp về email của giáo viên.
4 – Chọn các chủ đề nói gần gũi
Chia sẻ về cuộc sống cá nhân với bạn bè là một nhu cầu thiết yếu của mọi người và các em học sinh cũng không ngoại lệ. Cho nên, một các đơn giản để khuyến khích học sinh nói đó chính là đặt câu hỏi dựa trên các chủ đề gần gũi, xoay quanh cuộc sống của học sinh.
Giáo viên có thể phá vỡ sự im lặng và bắt đầu buổi học bằng cách chia sẻ về các hoạt động bạn đã làm trong dịp cuối tuần và sau đó yêu cầu học sinh kể về trải nghiệm của chính các em. Đây cũng là một cách hữu ích giúp các em thoải mái hơn khi nói chuyện bằng tiếng Anh và học được những từ vựng thiết thực hơn.
Việc dạy học online, nhất là trong tình trạng kéo dài bắt buộc như hiện nay sẽ đem lại những bất cập không nhỏ. Nhưng đây cũng là một cơ hội để cho các giáo viên Anh văn điều chỉnh lại giáo án và tạo ra những bước tiến mới trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
Bằng việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp với các công cụ có tính tương tác cao kể trên, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có thể nhanh chóng thích nghi và thu hút được nhiều học sinh và có những lớp học thành công!
(Bài viết được tham khảo từ các nguồn wgu.edu, rit.edu, cambridgeenglish.org, và theconversation.com)